Tam Tầng gìn giữ quan họ cổ
Lượt xem: 73  | Ngày đăng: 11/07/2024
Người dân đôi dòng sông Cầu lâu nay vẫn quan niệm, đã chơi quan họ thì phải "tinh mới tường", tức là phải hiểu, phải chơi có lề có lối, thanh cao và phải hát bằng cả trái tim, giữ gìn được bản sắc truyền thống. Chơi cho “chỉ nổi kim chìm”, cho lở đất long trời mới xứng là trai gái Kinh Bắc. Làng quan họ cổ Tam Tầng, xã Quang Châu, huyện Việt Yên là một trong số các làng quan họ cổ còn giữ được “lửa” trong việc duy trì nét sinh hoạt văn hóa ngàn đời ấy ở vùng quê Kinh Bắc.

Từng đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi hát dân ca quan họ được tổ chức trong tỉnh, nhưng đối với các liền anh, liền chị thôn Tam Tầng, hát quan họ không chỉ để thi thố, giành giải thưởng, mà đó còn là niềm vui, sự phấn khởi, xua đi những vất vả, mệt nhọc trong cuộc sống lao động hằng ngày.

Tôi đã từng được nghe các liền chị quan họ Tam Tầng biểu diễn tại Liên hoan hát quan họ huyện Việt Yên lần thứ XI, năm 2011 tại chùa Bổ Đà. Giải nhất thuộc về các liền chị thôn Tam Tầng với những làn điệu dân ca trữ tình, sâu lắng đã chinh phục nhiều khán giả xa gần. Về Tam Tầng lần này, tôi may mắn lại được nghe chính các liền anh, liền chị năm ấy biểu diễn, vẫn những tà áo tứ thân, nón quai thao và chiếc khăn mỏ quạ duyên dáng, vẫn những làn điệu: Mời nước, mời trầu, Khách đến chơi nhà, Giã bạn…được cất lên với lời ca tiết tấu bay bổng, mặn nồng trong các nhịp vang, rền, nền, nảy trên sân khấu của làng quê. Liền chị Nguyễn Thị Lại, 58 tuổi, Bí thư Chi bộ, kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) quan họ thôn Tam Tầng cho biết, dù không nằm trong danh sách 5 làng quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu được UNESCO vinh danh năm 2009, nhưng ở Tam Tầng có truyền thống hát quan họ cổ từ rất lâu đời, lớp anh trước lớp em sau, thế hệ trước truyền dạy thế hệ sau và cứ như vậy lòng say mê ca hát, tình yêu với những làn điệu dân ca quê mình đã khiến các chị tìm đến nhau trong CLB quan họ của làng. CLB hiện có 25 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, nhưng họ đều có điểm chung là rất đam mê quan họ. Có những cụ già đã ngoài 70, 80 tuổi dù sức yếu, lưng còng, đuối hơi nhưng vẫn hăng hái tham gia CLB, thường xuyên ca hát dân ca, góp phần truyền dạy, cổ vũ lớp trẻ học hát quan họ.

Nhiều làn điệu dân ca quan họ cổ, dài và khó hát được các thành viên CLB thể hiện khá thành công như: “Nam nhi”, “Cái hời cái ả”, “Xuôi ngược sông Cầu”, “Nguyệt gác mái đình”, “Đôi bên bác mẹ cùng già”… Trong các hội thi, hội diễn, liên hoan, bằng những lời ca được trau chuốt, uốn câu, nhả chữ điêu luyện, từng động tác, cử chỉ, phong thái, bước di chuyển trên sân khấu, các liền anh, liền chị nơi đây đã chiếm được nhiều tình cảm của đông đảo khán giả.

Theo các tài liệu, làng Tam Tầng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc làng Nam Ngạn xưa. Trong thôn có 1 dòng họ cư trú từ lâu đời là họ Nguyễn, còn các họ khác đều đến cư trú sau này. Làng có 3 xóm là xóm Đù Núi, Trong và Đồng Mả. Tổng số hộ trong thôn Tam Tầng hiện là 298 với 1.005 nhân khẩu. Nhân dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Nói về sự trưởng thành của CLB quan họ Tam Tầng, liền chị Nguyễn Thị Lại cho biết thêm: Được thành lập từ năm 1998, đến nay, CLB đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, các thành viên thường xuyên duy trì tập luyện mỗi tuần hai buổi. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, liền chị Lại bảo: Hồi đó còn nhiều khó khăn về kinh phí, thời gian, nhiều người còn bận bịu với việc đồng áng, gia đình. Mọi người phải tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục và tổ chức hoạt động. Bên cạnh đó, nhằm tạo nguồn lực, CLB đã tự nguyện nhận công việc và tham gia lao động gây quỹ, sắp xếp cân đối thời gian để không ảnh hưởng đến công việc gia đình. Với nhiều giọng ca trẻ, các liền anh, liền chị thôn Tam Tầng thường xuyên được mời tham gia biểu diễn trong những ngày kỷ niệm lớn tại địa phương. Trong CLB có 3 cặp vợ chồng và có hai bố con cùng tham gia sinh hoạt, hàng tuần tập trung tập luyện biểu diễn vào thứ 7, Chủ nhật tại nhà Chủ nhiệm CLB. Họ đều là những người say mê quan họ từ hồi còn nhỏ, đến nay có người đã lên chức ông, bà nhưng tình yêu đối với quan họ thì không hề thay đổi, họ lại truyền dạy quan họ cho con cháu và những lớp kế cận.  

Những cuộc thi hát quan họ là sân chơi để các liền anh, liền chị thi thố tài năng, khoe sắc, khoe tài, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người dân Kinh Bắc. Từ năm 2000 đến nay, mười chín lần tham gia hát quan họ trong tỉnh tại các hội thi, liên hoan và lần nào thôn Tam Tầng cũng đoạt giải xuất sắc. Liền chị Lại cho biết: Không chỉ là giải thưởng, với các liền chị nơi đây, những lời ca, tiếng hát đã góp phần xua đi những lo toan, mệt nhọc trong cuộc sống vất vả hằng ngày của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, phấn khởi hơn. Có cụ năm nay đã gần 80 tuổi vẫn đam mê với nghệ thuật truyền thống của quê hương, tích cực tham gia truyền dạy, biểu diễn. Điển hình như cụ Lê Thị Hảo 78 tuổi, dù giọng hát không còn mượt mà, vang rền như xưa, nhưng vẫn nhớ và hát vanh vách nhiều làn điệu dân ca quan họ cổ và khó. Vốn liếng đó có được từ hồi còn nhỏ là được cha cụ truyền dạy. Đến nay, dù đã đông đủ cháu, chắt nội ngoại nhưng thi thoảng cụ lại ca xướng một vài làn điệu cổ cho cả gia đình cùng nghe.

Theo cụ Hảo, xưa kia các làng quan họ cổ thường có tục hát kết bạn, bao gồm cả bên nam và bên nữ, từ những canh hát kết bạn đó đã trở nên ân nghĩa truyền đời qua nhiều thế hệ, các làng kết bạn với nhau còn giúp nhau trong cuộc sống, lao động hàng ngày. Điều đặc biệt là trai, gái các làng quan họ kết bạn với nhau thì không được lấy nhau và chỉ được coi nhau như anh em, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia mọi nỗi vui buồn như anh em trong nhà. Quan họ làng Nam Ngạn, xã Quang Châu có mối thâm tình, kết chạ với làng Phúc Lâm (Hoàng Ninh), trong khi có tới 80% dân số làng Tam Tầng là người gốc ở Nam Ngạn. Do đó mà Tam Tầng với Phúc Lâm bao đời nay vẫn coi nhau như anh em trong nhà, duy trì nét văn hóa độc đáo bên bờ Bắc sông Cầu. Từ bao đời nay vẫn thế, tình nghĩa đậm sâu giữa các làng ngày thêm bền chặt, đó là những điều thề ước sắt son giữa các làng, mỗi khi có công to, việc lớn đều không thể thiếu vắng nhau. Và quan họ Tam Tầng với Phúc Lâm cũng vậy, thường xuyên được gặp gỡ giao lưu.

Còn nói về liền chị Nguyễn Thị Lại có lẽ rất nhiều người dân xã Quang Châu đều biết về sự nhiệt tình, tháo vát, tích cực tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương, vừa với vai trò Bí thư Chi bộ, vừa là Chủ nhiệm CLB, liền chị Lại tâm sự: CLB quan họ Tam Tầng có được những thành tích đáng kể như vậy một phần nhờ sự đam mê, lòng nhiệt huyết của các thành viên. Từ truyền thống và niềm đam mê ấy, mọi người trong CLB đều rất lạc quan, vui vẻ và yêu ca hát. Bởi vậy mà dù bận rộn với công việc đồng áng nhưng họ vẫn tranh thủ tập luyện để có dịp tham gia vào các phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương. Những việc làm trên không chỉ góp phần tích cực vào việc bảo tồn vốn di sản văn hóa quý báu của nhân loại mà còn tạo ra một môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

 CLB Tam Tầng còn tích cực đi giao lưu biểu diễn với các CLB quan họ trong vùng khác như ở Bắc Ninh, Hà Nội. Nói như liền chị Lại thì đó chỉ là những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng cũng đủ để làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú. Lòng nhiệt tình, say mê ca hát của các liền chị nơi đây góp phần gìn giữ, bảo tồn và đưa quan họ trên đất Kinh Bắc ngày càng lan tỏa và bay xa hơn, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO đã vinh danh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên trong CLB quan họ Tam Tầng cũng thừa nhận còn những mặt hạn chế, khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quan họ tại địa phương. Đó là sự tác động kinh tế thị trường của xã hội, cộng thêm Tam Tầng nằm cạnh khu công nghiệp, các hạt nhân trẻ chủ yếu tham gia làm việc trong khu công nghiệp, ảnh hưởng đến việc tập luyện sinh hoạt. Kinh phí của CLB hạn hẹp do các hạt nhân tự đóng góp, nhạc cụ còn đơn giản, tăng âm loa đài còn thiếu... Đây là những khó khăn, đồng thời cùng kiến nghị với cơ quan chức năng hỗ trợ trong thời gian tới.

Chia tay CLB quan họ Tam Tầng, lòng tôi vẫn còn bâng khuâng trong lời ca tha thiết của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Anh chưa đến làng quan họ/Chợt tỉnh nghe canh hát trao duyên/Anh chưa đến dòng sông Cầu/Ngàn đời vui sóng nước lơ thơ/Anh chẳng biết đến bao giờ/Ngồi tựa mạn thuyền buông câu hát đợi chờ”. Những làn điệu dân ca quan họ không chỉ đã làm rung động bao trái tim người Kinh Bắc mà còn với du khách muôn nơi. Dân ca ấy đã từ làng bước ra thế giới để trở thành di sản của nhân loại. Bao đời nay, nó đã và đang được các liền anh, liền chị bờ Bắc sông Cầu, trong đó có làng quan họ cổ Tam Tầng chắt chiu gìn giữ và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến hôm nay.

Anh Khoa
Các tin bài khác:

lich su phat trien So do to chuc Lãnh Trung tâm Chuc nang nhiem vu Phòng chuyên môn Quan lý văn bản Thư điện tử
TRANG VIDEO
Lễ khai hội Xuân và Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023
Ngày: 19-01-2023 08:08
  • Tuần phim Ấn độ

    Tuần phim Ấn độ

  • Pano tuyên truyền

    Pano tuyên truyền

  • Pano tuyên truyền

    Pano tuyên truyền