TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
GÓC BẠN ĐỌC
THƯ VIỆN
Nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa nằm trong hệ thống của thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân. Có nhiều cách gọi và hiểu khác nhau về nhà văn hóa như: Nhà văn hóa, Cung văn hóa, CLB, nhà văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa. Ngoài ra cũng có thể kể đến một số loại hình thiết chế văn hóa khác có cùng hàm nghĩa như Trung tâm Văn hóa thanh thiếu nhi, cung thiếu nhi; do có nhiều cách gọi, tên gọi khác nhau nhưng nếu hiểu đúng bản chất và ý nghĩa của nó theo tác giả Trần Văn Ánh trong “Đại cương công tác Nhà văn hóa”:
“Nhà văn hóa là thiết chế văn hóa của lĩnh vực công tác văn hóa quần chúng ở từng cấp. Là nơi diễn ra các hoạt động tổng hợp của nhiều loại hình hoạt động văn hóa quần chúng. Tùy theo chu kỳ thời gian và nhu cầu sở thích văn hóa, nghệ thuật, thể thao vui chơi giải trí của quần chúng nhân dân trên từng địa bàn”.
Vì thế, nếu xét về nội hàm của khái niệm thì nhà văn hóa là một thiết chế cần được tìm hiểu và làm rõ ở các góc độ:
Nhà văn hóa như một tên gọi rất chung cơ bản đại diện cho lĩnh vực hoạt động với sự tham gia trực tiếp của quần chúng nhân dân. Tên gọi nhà văn hoá được hiểu và thay đổi thành nhiều cách gọi khác nhau như: Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa, CLB…Nhưng hiểu đơn giản nhà văn hóa chính là địa điểm để tập trung sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi vui chơi giải trí, là nơi để mọi người giao lưu, tiếp xúc với nhau vì một nhu cầu sở thích nào đó.
Do có nhiều cách gọi hay tên gọi khác nhau nhưng về bản chất nhà văn hóa là thiết chế văn hóa mang sắc thái riêng của mỗi vùng miền, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng ( Điều này khiến ta liên tưởng tới những ngôi Đình được xuất hiện ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI, vì đây cũng chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã). Vì thế ở nhà văn hóa cũng đều có nội dung và phương pháp hoạt động chuyên môn khác nhau và trên cơ sở đều nằm chung với phạm vi công tác văn hóa đại chúng, văn hóa giáo dục trong cộng đồng dân cư; là cơ quan giáo dục xã hội ngoài nhà trường, nhà văn hóa tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí với hệ thống biện pháp chuyên môn, công tác văn hóa quần chúng phong phú, năng động và đầy hấp dẫn. Cùng với những biện pháp, phương pháp hoạt động, hướng dẫn và tổ chức các dịch vụ nhà văn hóa sẽ đáp ứng nhu cầu hoạt động xã hội trong thời gian rảnh rỗi của người dân. Thông qua các hoạt động sẽ phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các nhân tố có khả năng, năng khiếu trong hoạt động văn hóa, văn nghệ TDTT, tiêu chí cuối cùng để hoàn thiện nhân cách con người cả về Đức, Trí, Thể, Mỹ và năng lực hành vi thực tế của con người trong cuộc sống để hướng tới giá trị của Chân – Thiện – Mỹ.
1. Chức năng của nhà văn hóa
Trong hoạt động nhà văn hóa có thể nhận thấy một số chức năng cơ bản đó là: Chức năng giáo dục XHCN, giáo dục chính trị, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, của chính quyền các cấp; là cơ quan tổ chức hoạt động giáo dục văn hóa ngoài nhà trường trong thời gian rỗi, phục vụ các nhu cầu đa dạng của xã hội. Thông qua các buổi hội họp, các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo ra nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục với những nội dung khác nhau. Nhà văn hóa có khả năng tác động nhiều mặt đến đời sống, nhân cách con người cả Đức, Trí, Thể, Mỹ, nhưng về cơ bản vẫn là giáo dục chính trị tư tưởng với nền tảng là chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước; giáo dục lý tưởng XHCN, xây dựng lối sống, đạo đức thẩm mỹ trong từng cá nhân trong cộng đồng dân cư.
*Chức năng giáo dục XHCN
Giáo dục là chức năng cơ bản, bao trùm, là thuộc tính bản chất của các hoạt động diễn ra ở các nhà văn hóa. Trong hoạt động của nhà văn hóa đều sử dụng tối đa những điều kiện, phương tiện đặc thù của mình để tiến hành các hoạt động văn hóa, giáo dục phục vụ cho lợi ích chung của xã hội là tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nội dung giáo dục tại đây mang tính tòan diện bao gồm Đức-Trí-Thể-Mỹ đó là giáo dục XHCN đối với nhân dân lao động.
* Chức năng giao tiếp, tuyên truyền
Đây được xem như là chức năng đặc thù, chủ yếu vì ở nhà văn hóa có điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giao tiếp. Đặc biệt là hình thức giao tiếp nhóm sở thích thông qua hoạt động của các CLB. Trong nhà văn hóa sẽ bao gồm nhiều CLB khác nhau cùng hoạt động, từ đó các CLB sẽ khởi xướng ra các hình thức giao tiếp phong phú như diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, đối thoại và giải đáp thắc mắc hay là tổ chức liên hoan văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao. Qua các hoạt động đó sẽ góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; các kiến thức về khoa học kỹ thuật. Đồng thời nhà văn hóa cũng là nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng, giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh ở địa bàn thôn, tổ dân phố.
* Chức năng phát triển năng lực sáng tạo của quần chúng
Những hoạt động sáng tạo ở nhà văn hóa chủ yếu mang tính nghiệp dư không chuyên nghiệp. Tại đây có thể cùng lúc có hoạt động sáng tạo ở nhiều lĩnh vực cả chính trị - xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa - thể thao. Tuy nhiên nếu xét về thuận lợi hay là phổ biến nhất chính là những sáng tạo trong văn học nghệ thuật để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT, từng bước nâng cao hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở mỗi thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay nếu tổ chức hoạt động tốt tại các nhà văn hóa thì cũng có thể có những thu nhập tăng thêm để bù đắp những chi phí hành chính. Mục đích hướng tới trong hoạt động sáng tạo là để phát huy; kích thích tiềm năng sáng tạo của mỗi người dân trong cộng đồng.
* Chức năng đáp ứng các nhu cầu về vui chơi giải trí và nghỉ ngơi
Nhà văn hóa là nơi có điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và nghỉ ngơi của nhân dân trong địa bàn, các hoạt động mang tính tập trung theo chủ trương chung của chính quyền các cấp. Nhà văn hóa cũng là nơi khởi xướng, dàn dựng nên nhiều loại hình bổ ích đối với các hoạt động nhóm, các trò chơi dân gian truyền thống. Đặc biệt nơi đây sẽ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương trong xu hướng và bối cảnh các đô thị phát triển nhanh chóng, (nhiều làng đã trở thành tổ dân phố) góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong lành; xây dựng, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trong nhân dân; từng bước giảm đi những tệ nạn xã hội trong cuộc sống. Với thanh thiếu nhi nhà văn hóa cũng từng bước giảm dần các trò chơi mang tính bạo lực do ảnh hưởng của internet vì ở đây chính là nơi tuyên truyền giáo dục gần, trực tiếp đối với thanh thiếu nhi và mỗi người dân trong cộng đồng dân cư.
2. Nhiệm vụ của nhà văn hóa
Với những chức năng cơ bản được trình bày ở phần trên và để thực hiện có hiệu quả các chức năng đó, nhà văn hóa cần tiến hành một số nhiệm vụ công tác cụ thể và thiết thực cụ thể là:
- Với không gian hiện có được đầu tư xây dựng, nhà văn hóa chính là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật thông tin cổ động và hoạt động thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống văn hóa tinh thần và phát triển thể chất của nhân dân. Tham mưu cho cấp ủy địa phương đối với thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại địa phương.
- Nhà văn hóa tổ chức các hoạt động câu lạc bộ theo ngành nghề và sở thích đối với các đối tượng trong cộng đồng. Nhà văn hóa cũng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến thời sự, chính sách pháp luật của nhà nước, kịp thời thông tin phổ biến, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao dân trí trong các tầng lớp nhân dân.
- Trong nhà văn hóa thường tổ chức trưng bày tranh, ảnh thời sự và những hình ảnh về thành tích thi đua trong lao động sản xuất, thành tích và công tác khuyến học của mỗi địa phương. Xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng, bản, khu phố văn hóa. Là nơi hưởng ứng tích cực và có hiệu quả với phong trào TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư.
- Nhà văn hóa sẽ là nơi tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa tập trung theo chủ trương của cấp ủy và chính quyền địa phương, đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết công tác khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Là một thiết chế văn hóa cơ bản dung hội được nhiều nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa như: Nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu TDTT, hội trường, thư viện, trường học…
3. Đóng góp của nhà văn hóa thôn, tổ dân phố với đời sống xã hội
Nghị quyết Trung ương năm (Khóa VIII) của Đảng đã nhận định “…Một bộ phận quan trọng thiết chế văn hóa (nhà văn hóa , câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, cửa hàng sách báo, khu vui chơi giải trí…), gần đây đã có những phương thức hoạt động mới có hiệu quả”. Nhà văn hóa là một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa thông tin, là nơi tuyên truyền, vận động sắc bén, sâu rộng tại cơ sở về đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Đồng thời cũng chính là nơi hưởng thụ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của từng địa phương. Việc xây dựng và phát triển hệ thống nhà văn hóa của cả nước nói chung của các địa phương nói riêng là hết sức cần thiết đáp ứng yêu cầu của phát triển văn hóa xã hội ở mỗi địa phương đồng thời phù hợp với quyết định quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số: 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 về chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam giai đoạn (2010-2020). Từng bước đầu tư từ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, các cán bộ thực hiện hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tại các địa phương. Có thể nhận thấy những đóng góp của các nhà văn hóa được thể hiện qua các nội dung cơ bản đó là:
- Đóng góp của nhà văn hóa đối với công tác tuyên truyền định hướng tư tưởng, giáo dục và phổ biến kiến thức pháp luật của mỗi địa phương, chuyển tải các nội dung chính sách của Nhà nước tới cơ sở, là nơi nhân dân tiếp cận và tiếp nhận thông tin thông qua tivi, đài và sách báo tạp chí, internet.
- Nhà văn hóa đã đáp ứng cơ bản các nhu cầu vui chơi, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân tại các thôn, tổ dân phố; từ các cụ cao tuổi tới các cháu thanh, thiếu niên nhi đồng góp phần tạo ra môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, hạn chế các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các nhà văn hóa góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, giúp cho bà con giao lưu giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo. Đối với một số nhà văn hóa đa năng, có vị trí thuận lợi đã thực hiện các dịch vụ công ích tăng nguồn thu để đầu tư lại đối với các cơ sở vật chất cho nhà văn hóa phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân trong cộng đồng dân cư. Nhiều hoạt động nhà văn hóa là điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương thông qua hoạt động của các CLB nghệ thuật dân gian như: Chèo, hát Quan họ, hát Chầu văn, múa dân tộc và các CLB Dưỡng sinh, Khiêu vũ, Vật dân tộc…Có thể khẳng định nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa hoạt động có nhiều ưu điểm và không thể thiếu đối với cơ sở. Nhà văn hóa đóng vai trò như một ngôi nhà đa năng phục vụ hội họp, sinh hoạt chính trị và nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân ở mỗi địa phương. Là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa chung cơ bản của mỗi địa phương. Nhà văn hóa góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, đóng góp trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết lần thứ XII của Đảng đã xác định./.