Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang: 45 năm xây dựng và phát triển
Lượt xem: 86  | Ngày đăng: 11/07/2024
Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh, tiền thân là Nhà Văn hóa tỉnh Hà Bắc được thành lập vào ngày 30/10/1976 trực thuộc Ty Văn hóa Hà Bắc. Trong 45 năm qua, tổ chức bộ máy của đơn vị có nhiều thay đổi, với các tên gọi khác nhau như: Nhà Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Triển lãm tỉnh, Trung tâm Văn hóa -Thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, hiện nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Đơn vị có chức năng, nhiệm vụ là: Hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ về văn hóa cơ sở và tổ chức hoạt động tại chỗ. Trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác tổ chức cán bộ, hoạt động nghiệp vụ luôn có sự thay đổi theo từng thời kỳ, gắn liền với những chặng đường xây dựng và phát triển của đơn vị.

Nhà văn hóa tỉnh

Nhà Văn hóa tỉnh đặt dưới sự quản lý của Ty Văn hóa - Thông tin, sự chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Văn hóa quần chúng và sự hướng dẫn công tác chuyên môn của Nhà văn hóa Trung ương.

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh Hà Bắc phát triển mạnh mẽ, hàng năm, các câu lạc bộ của các ngành, các đoàn thể; nhiều nhà văn hóa của công trường, xí nghiệp, các xã, phường, thị trấn được xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo. Hoạt động của các tổ chức văn hóa này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và giao lưu của công chúng. Hàng nghìn đội văn nghệ hoạt động sôi nổi vừa là công cụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của các cấp, các ngành, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn nghệ của nhân dân.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng đòi hỏi phải có một tổ chức đơn vị làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo để duy trì và phát huy tác dụng của phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa và đề xuất của Ty Văn hóa, UBND tỉnh Hà Bắc đã ban hành quyết định số 1018/QĐ-UB ngày 30/10/1976 thành lập Nhà văn hóa tỉnh với chức năng tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn phong trào sinh hoạt CLB nhà văn hóa, phong trào văn nghệ quần chúng (sáng tác và biểu diễn) và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ tại chỗ, cơ sở vật chất gồm rạp Vinh Quang, với trang thiết bị cần thiết như: Phông, màn, nhạc cụ, dụng cụ. Biên chế lúc đầu chỉ có một người vừa là công nhân phụ trách ánh sáng tiếng nói, vừa là người trông coi cơ sở vật chất...; còn toàn bộ cán bộ nghiệp vụ là cán bộ phòng văn hóa quần chúng từ Ty Văn hóa chuyển sang.

Thời điểm đó, nhà văn hóa có ba bộ phận: Bộ phận nếp sống mới, bộ phận nhà văn hóa, câu lạc bộ và bộ phận văn nghệ quần chúng (sáng tác và biểu diễn), tổng số cán bộ có 17 người. Nhà văn hóa được coi như trụ sở của Phòng văn hóa quần chúng. Năm 1983, Ty Văn hóa - Thông tin quyết định chuyển 2 bộ phận: Nhà văn hóa CLB và bộ phận Văn nghệ quần chúng (sáng tác biểu diễn) cùng toàn bộ số cán bộ nghiệp vụ sang Nhà Văn hóa, với 24 cán bộ được chia làm 3 bộ phận: Bộ phận phương pháp Nhà văn hóa, bộ phận Văn nghệ quần chúng và bộ phận hoạt động tại chỗ.

Được sự lãnh đạo sát sao và tạo mọi điều kiện của Ty Văn hóa - Thông tin và được sự hướng dẫn của Nhà Văn hóa Trung ương, Nhà Văn hóa tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là vừa tổ chức chỉ đạo, vừa hướng dẫn nghiệp vụ cho phong trào và hoạt động tại chỗ.

Nhà triển lãm tỉnh

Tháng 3/1963, hai bộ phận Triển lãm, bộ phận Bảo tàng và một Tổ thông tin lưu động hợp nhất thành Phòng Triển lãm; năm 1965, nhân sự phòng Triển Lãm có 8 người, đến năm 1968 thì thêm một biên chế họa sĩ. Năm 1975, số cán bộ lên đến 17 người và đến năm 1976, số cán bộ đã là 22 người. Hoạt động triển lãm thời kỳ này rất sôi nổi, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân đến xem. Thường xuyên mở các cuộc triển lãm tranh, ảnh vào các ngày lễ lớn như kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), ngày Tết Nguyên đán... Các cuộc triển lãm đã thu hút được nhiều các xí nghiệp, các cơ quan và địa phương cùng đông đảo quần chúng nhân dân về xem.

Tổ Thông tin lưu động (sau này chuyển tên thành Đội Thông tin lưu động) thuộc phòng Triển Lãm vào năm 1964 chỉ có 3 người, mục đích đi tuyên truyền thông tin các hoạt động của ngành, các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các hoạt động tuyên truyền cụ thể là chiếu phim, nói chuyện thời sự. Trang thiết bị duy nhất phục vụ cho công tác này là một bộ đèn măng xông do tỉnh tài trợ, phương tiện đi lại là gồng gánh hoặc xe đạp thồ.

Từ năm 1965- 1976 thì phương tiện đã được nâng cấp. Vào những ngày lễ lớn, tỉnh tạo điều kiện cho phương tiện đi tuyên truyền bằng xe ô tô đến những nơi xa. Thời gian tuyên truyền vào các ngày lễ lớn, ngày bầu cử hoặc theo thời gian định kỳ như kế hoạch của Ty Văn hóa giao. Những điểm tuyên truyền trọng điểm là ở 5 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế và Lạng Giang.

Năm 1977, Ty Văn hóa được sáp nhập với Ty Thông tin thành Ty Văn hóa- Thông tin. Đến năm 1989, Phòng thông tin cổ động của Ty Văn hóa -Thông tin sáp nhập với Nhà Triển lãm thành Nhà Thông tin triển lãm.

Năm 1991, Nhà Thông tin Triển lãm sáp nhập với Nhà Văn hóa tỉnh thành Nhà Văn hóa - Thông tin - Triển lãm tỉnh; năm 1995, đổi tên là Trung tâm Văn hóa -Thông tin  và Triển lãm tỉnh.

Trung tâm Văn hóa- Thông tin  và Triển lãm tỉnh

Trong hai năm 1995 - 1996, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Triển lãm tỉnh Hà Bắc về tổ chức bộ máy có 24 cán bộ với 3 bộ phận: Hành chính quản trị, thông tin cổ động nhiếp ảnh, phương pháp câu lạc bộ. Hoạt động nghiệp vụ thời kỳ này rất sôi nổi, trong đó tổ chức thành công Hội diễn Công – Nông – Binh. Đặc biệt, Trung tâm tổ chức tốt Hội chợ - Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh nhân kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/1995).

Từ năm 1997, cùng với việc tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa- Thông tin  và Triển lãm tỉnh Bắc Giang sau khi được Sở Văn hóa - Thông tin sắp xếp lại, điều chuyển bổ sung vẫn ổn định 4 phòng, đội là: Phòng Hành chính quản trị, phòng Nghiệp vụ Văn hóa quần chúng, phòng Nghiệp vụ thông tin cổ động và Đội thông tin lưu động với 26 cán bộ công nhân viên, trong đó có 9 hợp đồng. Đến năm 2003, Trung tâm Văn hóa- Thông tin  và Triển lãm tỉnh đã có sự bổ sung điều chỉnh về các đơn vị nghiệp vụ với 04 phòng chuyên môn là: phòng Văn nghệ quần chúng, Phòng nếp sống văn hóa, phòng Thông tin cổ động và Đội thông tin lưu động.

Trung tâm Văn hóa- Thông tin  và Triển lãm tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thông tin sôi nổi, rộng khắp, tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến tháng 12/2008, Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Triển lãm tỉnh đổi tên thành Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa tỉnh. Đơn vị chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Sở VHTTDL; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Văn hóa cơ sở, Cục Điện ảnh - Bộ VHTTDL.

Trung tâm được xác định là một thiết chế văn hóa quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn, tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ và điện ảnh, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đồng thời là đầu mối hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện và cơ sở, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và giải trí của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và 03 Phó Giám đốc. Các phòng, đội gồm: Phòng Hành chính-Tổng hợp; phòng Nghệ thuật quần chúng; phòng Nghiệp vụ  Điện ảnh; Phòng Cổ động triển lãm; đội Tuyên truyền lưu động. Biên chế của đơn vị tính đến nay là 39 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp; ngoài ra còn có 05 hợp đồng lao động (HĐLĐ) đặc thù; 9 HĐLĐ chiếu phim và 01 HĐLĐ theo Nghị định 161. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động được đào tạo cơ bản  về chuyên môn nghiệp vụ (02 người có trình độ chuyên ngành Thạc sĩ QLVH, 40 người có trình độ đại học, 14 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, nhiều người có 2-3 bằng chuyên môn khác nhau. Về trình độ lý luận chính trị có 01 cao cấp, 01 cử nhân, 32 trung cấp, sơ cấp).

Từ việc tổ chức các hoạt động tại chỗ như: Trưng bày, triển lãm, giao lưu văn hóa, tập huấn nghiệp vụ, biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ công chúng. Đối với công tác hội thi, hội diễn, liên hoan, trung tâm đã tham mưu cho ngành, cho tỉnh tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, như: Liên hoan tuyên truyền lưu động, liên hoan các nhà văn hóa tiêu biểu, liên hoan các CLB văn hóa tiêu biểu, Hội diễn ca múa nhạc Công, nông, binh, Liên hoan hát quan họ, liên hoan hát văn, hát chầu văn… phục vụ các sự kiện văn hóa - chính trị tiêu biểu của tỉnh như: ngày thành lập tỉnh; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc…; tham gia hàng trăm cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc và khu vực, tiêu biểu như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, Liên hoan dân ca ba miền, Liên hoan hát then - đàn tính toàn quốc; liên hoan hát chầu văn, Tuyên truyền lưu động toàn quốc, Tiếng hát làng Sen… và nhiều hoạt động khác, được các bộ, ngành trung ương, địa phương và nhân dân đánh giá cao, qua đó góp phần truyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc trưng, bản sắc văn hóa vùng đất, con người Bắc Giang đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Công tác xây dựng các mô hình câu lạc bộ trực thuộc, tổ chức phối hợp với hệ thống thiết chế cơ sở xây dựng mô hình điểm về CLB và đội văn nghệ quần chúng được quan tâm, đẩy mạnh. Đến nay, trung tâm đã có 08 CLB trực thuộc với khoảng 600 hội viên tham gia sinh hoạt cùng gần 1000 CLB, tổ đội văn nghệ các huyện, thành phố; qua đó, tạo không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Với đặc thù ngành nghề, trong 45 năm qua, trên khắp các nẻo đường của Bắc Giang, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, các cán bộ, tuyên truyền viên của đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng lưu động đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, băng rừng, trèo đèo, lội suối tổ chức trên 20.000 đợt tuyên truyền lưu động, chiếu bóng lưu động ở cơ sở, mang lời ca, tiếng hát, các bộ phim tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân.

Các thế hệ cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tiếp nối, phát huy truyền thống của đơn vị, năng động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động, xây dựng đơn vị nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành văn hóa tỉnh nhà.

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh đã từng bước phát triển vững chắc và trưởng thành về mọi mặt, không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mà còn từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu của một thiết chế văn hóa tổng hợp cấp tỉnh trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, của đất nước. Trung tâm cũng tích cực tham mưu với UBND tỉnh, Sở VHTTDL các nội dung như: Đề án phát triển trung tâm VHĐA tỉnh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn; tổ chức nhiều hoạt động mới như Hội thi tuyên truyền lưu động, Triển lãm Mỹ thuật, thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật lớn, chất lượng như: Chương trình chào năm mới 2020, chương trình chào mừng khai mạc Hội diễn sân khấu Chèo toàn quốc; tổng kết xây dựng nông thôn mới tại Bắc Giang; kỷ niệm 126 năm thành lập tỉnh Bắc Giang; đồng thời, tham gia các hoạt động do Bộ VHTTDL tổ chức đạt được nhiều giải cao như: HCV, HCB, giải A,B...

Với thành tích đạt được của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh trong 45 năm qua, tập thể và nhiều cá nhân đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tôn vinh, khen thưởng, tiêu biểu như: Đội chiếu bóng lưu động được tặng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba vào các năm 1960, 1965, 1973; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL; Bằng khen của Bộ VHTTDL các năm 2003, 2004, 2005, 2018; Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang năm 2019, 2020; tập thể lao động xuất sắc nhiều năm; nhiều cá nhân đạt danh hiệu thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở, được tặng thưởng Bằng khen, giấy khen các của c ác cấp, các ngành.

Kế thừa, phát huy truyền thống 45 năm qua, với những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm đã có, trong thời gian tới, với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khuyến khích cán bộ tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm, có những tham mưu mới, đưa sự nghiệp văn hóa không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một thiết chế văn hóa cấp tỉnh./.

 
Nguyễn Quách Hải - Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh
lich su phat trien So do to chuc Lãnh Trung tâm Chuc nang nhiem vu Phòng chuyên môn Quan lý văn bản Thư điện tử
TRANG VIDEO
Lễ khai hội Xuân và Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023
Ngày: 19-01-2023 08:08
  • Tuần phim Ấn độ

    Tuần phim Ấn độ

  • Pano tuyên truyền

    Pano tuyên truyền

  • Pano tuyên truyền

    Pano tuyên truyền